Việt Nam đã thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) trong suốt hơn 30 năm, trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Năm 2022, Việt Nam thu hút khoảng 29 tỷ USD vốn FDI, giảm 7% so với năm 2021, nhưng vốn thực hiện được giải ngân tốt hơn. Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực ASEAN về thu hút FDI, với hiệu quả FDI ổn định và cao so với nhiều nước trong khu vực.
Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu và nâng cao năng lực sản xuất. Đặc biệt, sự hiện diện của các tập đoàn đa quốc gia trong khu vực này đã góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý, nâng cao trình độ công nghệ của người Việt Nam, đồng thời tăng năng suất lao động và cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Cho tới thời điểm hiện tại, khả năng tham gia cung ứng đầu vào cho doanh nghiệp FDI của các doanh nghiệp nội địa Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt là cung ứng cho các tập đoàn lớn. Trong khi 90% doanh nghiệp FDI tại các nước Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan sử
dụng nguồn đầu vào trong nước thì tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 60% (WB, 2017).
Phát biểu tại sự kiện, ông Simon Kreye, Phó Đại sứ của Đại sứ quán Đức tại Việt Nam nhấn mạnh rằng việc hỗ trợ Việt Nam hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua tăng cường liên kết FDI ngày càng trở nên quan trọng đối với Đức kể từ khi Đức thực hiện các hoạt động nhằm giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa kinh tế . Đồng thời, Việt Nam đang đóng vai trò quan trọng đối với các công ty Đức. Khoảng 500 công ty của Đức đang hoạt động lâu dài tại Việt Nam hoặc đang có quan hệ kinh doanh với các công ty Việt Nam . Các doanh nghiệp Đức đã đầu tư hơn 2,4 tỷ EUR vào hơn 440 dự án FDI và tạo cơ hội việc làm cho hơn 50.000 lao động Việt Nam.
Để thúc đẩy mối liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI, tận dụng những tác động lan tỏa về mặt công nghệ và giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nghiên cứu đã đưa ra 4 nhóm giải pháp bao gồm:
- Thiết lập liên kết vùng
- Cần đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến
- Các chính sách “ngoại giao đơn hàng”, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, kết nối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp ở nước ngoài
- Thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với chuỗi giá trị toàn cầu